GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 52
Số lượt truy cập: 10117041
QUẢNG CÁO
TUYÊN TRUYỀN VỀ SỰ RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY SÁCH VIỆT NĂM 21/4 4/9/2021 3:43:06 PM

TUYÊN TRUYỀN VỀ SỰ RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY SÁCH  VIỆT NĂM 21/4

 

Thực hiện công văn số 276/KH-GD&ĐT ngày 30 tháng 3 năm 2021 cuả Phòng giáo dục Đào tạo Lệ Thủy về việc tổ chức ngày sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2021. Nhân buổi sinh hoạt đọc sách hôm nay, thư viện xin giới thiệu đến toàn thể các em về lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày sách Việt Nam 21/4

Các em thân mến !

Chắc chúng ta đã biết, Sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa tri thức và tâm hồn con người, sách là người thầy thắp sáng lên những ước mơ khám phá, dạy cho ta cách sống và cách để yêu thương, sách cũng là người bạn tri kỷ rất đỗi thân thiết có thể cùng ta chia sẻ mọi buồn, vui trong cuộc sống.

      Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được bắt nguồn từ một phong tục truyền thống trong ngày Lễ thánh George (Saint George’s Day) 23/4 từ những  năm 80 của thế kỷ trước tại đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp. Trong ngày lễ thánh này, mọi người yêu mến, tặng cho nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách cũng sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này tiếp tục lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ Thư viện…

       Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 - 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hằng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích niềm yêu thích đọc sách, đồng thời tôn trọng bản quyền tác giả của mọi người dân. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội... góp phần gắn kết các hoạt động sáng tác, xuất bản, phát hành với người đọc.

       Thực tế, trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền thế giới và ở mỗi nơi lại được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau. Trong khi ở châu Âu và Bắc Mỹ, vào ngày này trên khắp các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, trên những con tem của từng lá thư đều có logo ngày hội sách thì ở châu Phi, các bạn trẻ lại tình nguyện đem sách tới cho những người có hoàn cảnh đặc biệt như người bệnh, người mù lòa và cả những người không biết chữ để đọc cho họ nghe… Điều này một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của sách trong đời sống con người. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, việc tổ chức các ngày sách và văn hóa đọc chính là minh chứng rõ ràng nhất: Sách và văn hóa đọc mãi mãi trường tồn.

       Trong suốt hơn 10 năm sau, khi Ngày Sách và Bản quyền thế giới ra đời, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng và hiện thực hóa ngày này thông qua các hoạt động vô cùng ý nghĩa như: Triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu tọa đàm giữa các nhà văn với bạn đọc, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách… Bên cạnh đó còn có các hoạt động quyên góp ủng hộ sách, xây dựng tủ sách cho các địa phương khó khăn ở vùng xâu, vùng xa góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.  

       Để phong trào đọc sách đi vào hoạt động có nền nếp và ngày càng phát triển sâu rộng trong toàn xã hội, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Điều này không chỉ thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới mà còn góp phần gắn kết các hoạt động được tổ chức trong nước để hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Các chuỗi hoạt động được tổ chức đồng loạt với những hình thức phong phú, đa dạng và ngày càng có chiều sâu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm thông tin thư viện lớn đến thư viện trường học, giữa nhà xuất bản với các cơ quan phát hành, giữa tác giả với người đọc... Qua đó không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Rõ ràng là Ngành Xuất bản, ngành Thư viện ở nước ta lâu nay ao ước có được ngày để tôn vinh cho hoạt động của mình, thì nay đã có. Vấn đề còn lại là: từ nay trở đi, chúng ta cần phải làm gì? Làm thế nào? Để Ngày Sách Việt Nam 21/4 thực sự có ý nghĩa hơn, nhân văn hơn, thiết thực hơn đối với toàn thể nhân dân để hoạt động này thu hút được đông đảo bạn đọc cả nước và những người làm nghề Sách ( xuất bản, in, phát hành) và thư viện. Để Ngày Sách Việt Nam trở thành một hoạt động xã hội mang biểu trưng văn hóa, giống như ngày “ Thơ Việt Nam” ( Rằm tháng giêng) diễn ra hằng năm. Và để hoạt động có ý nghĩa này thực sự lan tỏa, đi vào cuộc sống; để góp phần nuôi dưỡng , duy trì, phát triển, khẳng định và tôn vinh Sách và Văn hóa đọc ở Việt Nam - Một nước có nền văn hiến lâu đời, trước bối cảnh văn hóa nghe – nhìn đã và đang lấn át mạnh mẽ văn hóa đọc. 

            Việc lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn“ Đường Kách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thơ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác gải lớn, một danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người không chỉ có giá trị với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn Ngày Sách Việt Nam gắn với tác phẩm của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Thể hiện sự hội nhập của văn hóa Việt Nam với văn hóa nhân loại.

       Dù là Ngày Sách và Bản quyền thế giới hay Ngày sách Việt Nam cũng đều hướng tới một mục đích cao cả đó là “Tôn vinh sách và văn hóa đọc”. Mỗi người hãy tự rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hằng ngày. Sách không chỉ cho ta trí tuệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách để ta biết sống, biết yêu thương và cống hiến.

Để hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4 và ngày bản quyền thế giới 23/4 , thư viện THCS Lệ Ninh sẽ tổ chức các hoạt động như: Treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền, giới thiệu đến toàn bộ học sinh toàn trường về sự ra đời và ý nghĩa của ngày sách Việt Nam. Bên cạnh đó, thư viện củng tổ chức hoạt động đọc sách tại thư viện, kêu gọi toàn thể cán bộ giáo viên  và học sinh quyên góp sách để xây dựng tủ sách thiếu nhi.  Thư viện rất mong được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các thầy cô và học sinh, để ngày sách Việt Nam lần thứ 8 diễn ra thật có ý nghĩa.

                                                                               Cb thư viện.

                                                                      

Phạm Thị Thanh Tình
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Võ Văn Sinh
Võ Văn Sinh
Trần Anh Đức
Trần Anh Đức
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS LỆ NINH - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3996212 - Email: thcsleninh@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com