Đ iểm độc đáo tại Quảng Bình đó là nơi đây có vô số lễ hội truyền thống dân gian lớn nhỏ được tổ chức hằng năm như lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa, lễ hội đập trống của người Ma Coong, lễ hội hang động Quảng Bình… Mỗi lễ hội mang trong mình những nét đặc sắc riêng nhưng tất cả đều chứa đựng đặc trưng văn hóa tinh thần và truyền thống lịch sử của vùng đất linh thiêng này. Và vì lẽ đó, lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình cũng không phải là ngoại lệ. Được công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đây là hoạt động mang đậm bản sắc vùng sông nước Lệ Thủy, rất hấp dẫn khách du lịch bốn phương đến tham quan và trải nghiệm.
Theo cẩm nang du lịch, Lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình có nguồn gốc từ xa xưa, xuất phát từ hội bơi đua của làng quê Lệ Thủy. Tương truyền rằng ngày trước, vào mỗi dịp hè, dòng sông Kiến Giang lại khô cạn nước, trơ cả đáy do hạn hán. Tuy nhiên cứ đến tháng 8 hằng năm, nơi đây lại có mưa lớn, nước sông cứ thế dâng lên đầy ắp, ruộng đồng ngập nước, công việc đồng áng cũng trở nên thuận lợi hơn. Nước mưa lũ cũng cuốn trôi sâu bọ đi, mang phù sa đến bồi đắp cho mùa vụ. Chính vì vậy, người dân khắp nơi hân hoan mở hội đua thuyền để ăn mừng, đồng thời cũng là dịp để trai gái thi thố tài năng, rèn luyện sức khỏe và cầu mong một năm làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
Sau khi đất nước ta giành thắng lợi Cách Mạng Tháng 8 năm 1945, vào ngày 02/09/1946, người dân Lệ Thủy đã tổ chức lễ hội đua thuyền quy mô cấp huyện để ăn mừng Tết Độc Lập. Và cứ thế vào dịp Quốc Khánh hằng năm, dòng sông Kiến Giang lại vang dội tiếng hò reo, tiếng đánh trống, gõ mõ của cổ động viên với những màn đua thuyền quyết liệt. Lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình hình thành từ đó và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân nơi đây.
Thuở đầu, lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình được tổ chức như một nghi lễ của người dân bản địa với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, thóc lúa về đầy bồ, đầy nương. Đồng thời thanh niên trai tráng trong làng cũng nhân dịp này mà thi thố tài năng với nhau, rèn luyện sức khỏe để có thể đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng đất Quảng Bình.
Dần dần về sau, du lịch Quảng Bình ngày càng phát triển, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang cũng được mở rộng hơn cho du khách đến tham quan, nhờ đó càng thêm tưng bừng và náo nhiệt. Đây còn là dịp để người dân cùng hướng về quê hương, tưởng nhớ công lao của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đi trước đã hi sinh vì độc lập dân tộc.
Lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình được tổ chức vào ngày 2 tháng 9 hằng năm tại sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Vì đúng vào dịp lễ Quốc Khánh nên rất đông khách du lịch từ mọi miền đất nước đổ về đây hưởng ứng. Vào khoảnh khắc này, niềm vui của ngày độc lập đã hòa chung với không khí sôi nổi của lễ hội.
Lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình không chỉ là cuộc thi tranh tài của thanh niên trai tráng mà được tổ chức cho cả nam và nữ đều có thể tham gia. Từ khoảng một tháng trước ngày tổ chức lễ hội, những người trai gái khỏe mạnh đã được tuyển chọn kỹ càng và tập luyện liên tục với cường độ cao để có được sức khỏe và kỹ thuật tốt nhất lúc ra thi đấu. Vào khoảng thời gian này, người dân trong các thôn xã sẽ cùng nhau góp sức bồi dưỡng thức ăn, nước uống và cổ vũ tinh thần cho mỗi thành viên của đoàn đua.
Những chiếc thuyền được lựa chọn để thi đấu phải là thuyền có chất lượng tốt nhất, được đóng chắc chắn và lau chùi sạch sẽ. Trưởng thôn còn đưa thuyền đi cúng bái để cầu thần linh cho lễ hội diễn ra suôn sẻ và đoàn đua của thôn mình sẽ giành được chiến thắng.
Dòng sông Kiến Giang thời điểm cận kề lễ hội trở nên sống động và náo nhiệt hơn hẳn. Huyện Lệ Thủy lúc này dường như cũng vui lây theo không khí hào hứng của các đoàn đua. Vào ngày tổ chức lễ hội, bạn sẽ được chứng kiến từng dãy thuyền xếp thẳng tắp nhau trên mặt sông cùng các đội ngũ thi đấu đầy nhiệt huyết.
Đường đua trên sông Kiến Giang cũng là một thử thách lớn đối với các đội đua. Thông thường, đội nam sẽ phải hoàn thành quãng đường dài khoảng 24km và đội nữ là 15km. Quãng đường đua của các đội nam sẽ bắt đầu từ Ngã ba Mũi Viết lên đến cồn nổi ở thôn Xuân Bồ, sau đó quay trở lại vạch đích ở khu vực cầu Xuân Phong. Đối với nữ thì quãng đường sẽ ngắn hơn, lộ trình thi đấu cũng tương tự nhưng sẽ trở đầu ở đoạn ngoẹo cổ cò. Đoạn cua đầu chính là thời điểm gay cấn nhất cuộc đua vì lúc này là cơ hội để một số đội vượt lên chiếm ưu thế. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro vì đã có không ít thuyền bị chìm tại nơi này.
Nếu du lịch Quảng Bình vào dịp lễ Quốc Khánh, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hàng loạt lá cờ màu sắc sặc sỡ được trang hoàng dọc hai bên bờ sông Kiến Giang và trên những cây cầu bắc ngang qua sông. Ngày lễ hội chính thức diễn ra, dòng sông trong vắt in bóng những chiếc thuyền rồng được sơn màu đỏ, vàng, xanh rực rỡ. Trên thân thuyền, hình ảnh thần rồng linh thiêng với đôi mắt có hồn cùng những chiếc vảy rồng tinh tế được vẽ minh họa cực kỳ chi tiết. Màu áo, màu cờ và băng rôn cổ vũ đã góp phần tạo nên một bức tranh lễ hội đa sắc màu và vô cùng ấn tượng.
Lời khuyên hữu ích cho bạn là nếu muốn có một chỗ đứng tốt để xem được cả tín hiệu xuất phát và về đích, hãy đến thật sớm bởi từ tờ mờ sáng, người dân đã tranh thủ tập trung về phố huyện. Các cây cầu bắc qua sông đã đông nghịt người từ sớm. Tiếng hò reo, tiếng trống, tiếng mõ vang dậy khắp vùng. Từng lớp người chật như nêm ở hai bên bờ sông vừa hô hào động viên vừa cầm mũ nón vẫy không ngừng để tăng thêm nhuệ khí cho các đội đua. Ai nấy đều mang tinh thần cổ vũ cuồng nhiệt khiến bầu không khí của lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình trở nên vô cùng sôi nổi.
Trên đây mình đã chia sẻ đến bạn những nét độc đáo của lễ hội đua thuyền truyền thống Quảng Bình. Nếu bạn đến đây vào dịp lễ Quốc Khánh, đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia trải nghiệm lễ hội đặc sắc này để được đắm mình vào bản sắc văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.